You are currently viewing Hành trình đếm sao – 1. Hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL Server

Hành trình đếm sao – 1. Hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL Server

Dữ liệu có thể hiểu đơn giản là dữ kiện về một đối tượng nào đó đang được xét đến. Ví dụ tên, địa chỉ email, mật khẩu, nơi ở, lần cuối đăng nhập là khi nào, v.v. là một số dữ kiện về tài khoản người dùng trên website nào đó chẳng hạn. Một bức ảnh, âm thanh, một tập tin (tệp – file) cũng được xem là dữ liệu.

Cơ sở dữ liệu có nhiều loại như cơ sở dữ liệu phân cấp (hierarchical database), cơ sở dữ liệu mạng (network database), cơ sở dữ liệu hướng đối tượng (object-oriented database) và cơ sở dữ liệu quan hệ (relantional database).

Một cơ sở dữ liệu quan hệ là nơi lưu trữ dữ liệu theo mô hình quan hệ, dễ hình dung hơn là lưu trữ dữ liệu dưới dạng nhiều bảng và từng cặp bảng có mối quan hệ (relationship) với nhau. Mối quan hệ này được thể hiện thông qua khóa ngoại (foreign key) trên bảng này tham chiếu đến khóa chính (primary key) trên bảng kia, mặc dù chúng ta tổ chức lưu trữ các dữ kiện trên nhiều bảng nhưng vẫn có thể liên kết các mục dữ liệu với nhau nhờ mối quan hệ này.

Hệ quản trị cơ sở dữ liệu nói chung là phần mềm cung cấp các chức năng quản lý cơ sở dữ liệu. Quản trị viên có thể truy cập, tạo mới, định nghĩa, thao tác trên cơ sở dữ liệu thông qua phần mềm này. Hệ quản trị cơ sở dữ liệu cung cấp cho chúng ta một giao diện hoặc công cụ để thực hiện các hoạt động như lưu trữ, cập nhật, xử lý, phân tích dữ liệu một cách dễ dàng. Hơn thế nữa nó còn cung cấp khả năng bảo vệ và bảo mật cho cơ sở dữ liệu, duy trì tính nhất quán và đúng đắn của dữ liệu trong mọi trường hợp. Một số hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ thường thấy như Microsoft SQL Server, Oracle, MySQL Server, PostgreSQL, v.v. Dưới đây là danh sách các hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ phổ biến hiện nay được cập nhật thường xuyên trên trang db-engines.com, và xem các tiêu chí xếp hạng của trang này ở đây.

Hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL Server
Top 10 hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ phổ biến hiện nay theo trang db-engines.com

Hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL Server được phát triển bởi Microsoft, phiên bản đầu tiên SQL Server 1.0 ra đời năm 1989 và gần đây nhất là SQL Server 2019 (ngoài ra MS cũng có phiên bản chạy trên cloud là Microsoft Azure SQL Database). SQL Server có nhiều ấn bản phổ biến như Enterprise, Standard, Web, Developer, Express. Bên cạnh đó Microsoft cũng cung cấp một công cụ phần mềm là SSMS (SQL Server Management Studio) cho phép người dùng dễ dàng truy cập, cấu hình, quản lý, quản trị và phát triển tất cả các thành phần của SQL Server.

SQL – Ngôn ngữ truy vấn có cấu trúc (Structured Query Language) là ngôn ngữ tiêu chuẩn để tương tác với các loại cơ sở dữ liệu quan hệ. SQL được dùng để chèn mới dòng dữ liêu, tìm kiếm, cập nhật hoặc xóa dòng dữ liệu. Ngoài ra nó còn được dùng để thực hiện nhiều công việc khác như tối ưu hóa và bảo trì cơ sở dữ liệu.

T-SQL viết tắt của từ Transact-SQL có thể xem là phần mở rộng từ ngôn ngữ chuẩn SQL và là độc quyền của Microsoft, được sử dụng trong MS SQL server. Chính vì vậy mà T-SQL có nhiều tính năng và chức năng hơn nhằm hỗ trợ người dùng viết câu truy vấn hoặc lập trình dễ dàng và hiệu quả hơn. Ví dụ như các hàm xử lý chuỗi, các hàm xử lý ngày tháng, lập trình các thủ tục lưu trữ.

Quản trị cơ sở dữ liệu là toàn bộ các hoạt động nhằm đảm bảo một hệ quản trị cơ sở dữ liệu luôn hoạt động ổn định. Điều này có thể thấy rõ ràng khi dữ liệu được tạo mới hoặc cập nhật nhanh chóng, kết quả truy vấn trả về tức thì và đúng nhưng mong đợi. Bên cạnh đó việc bảo vệ và bảo mật cơ sở dữ liệu là cực kỳ cần thiết và quan trọng đối với bất kì một quản trị viên nào. Quản trị viên cơ sở dữ liệu là người chịu trách nhiệm theo dõi, xử lý các sự cố và hoạch định cho sự tăng trưởng trong tương lai.

Hành trình đếm sao là loạt bài viết mình sẽ cùng với các bạn tìm hiểu xem trước, trong và sau khi SQL Server thực thi một câu lệnh SQL sẽ khác nhau như thế nào. Mượn nhờ câu truy vấn SELECT COUNT(*) chúng ta sẽ từng bước xác định xem SQL Server cần gì và làm những gì để trả về kết quả cho người dùng. Hơn nữa, dưới góc nhìn của một quản trị viên chúng ta cần biết được chi phí thực thi một câu truy vấn là bao nhiêu, như thế đã hiệu quả chưa và cần làm gì để cải thiện tốc độ hơn nữa. Kiểm soát được những điều này sẽ giúp cho chúng ta có những can thiệp kịp thời, giải pháp phù hợp và quyết định đúng đắn cho một tình huống cụ thể nào đó để cơ sở dữ liệu luôn hoạt động ổn định.

Gửi phản hồi